Monday, March 24, 2014

Những quốc gia chơi cá cược nhiều nhất


Australia và Singapore là 2 quốc gia chơi cờ bạc nhiều nhất thế giới, với số tiền thua bạc hàng năm của mỗi người dân trưởng thành hơn 1.000 USD.
Bảng xếp hạng các quốc gia, vùng lãnh thổ ham cờ bạc nhất thế giới được đưa ra dựa trên số liệu nghiên cứu của H2 Gambling Capital, tổ chức tư vấn có trụ sở ở London (Anh). Đây là các số liệu về số tiền thua bạc trung bình hàng năm của mỗi người trưởng thành tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

10. Tây Ban Nha
Số tiền thua bạc trung bình năm/người trưởng thành: 418 USD
Kể từ khi luật cấm hút thuốc lá được áp dụng quyết liệt vào năm 2010 và suy thoái kinh tế 2008-2013, nền công nghiệp cờ bạc tại Tây Ban Nha có giảm nhẹ. Tuy nhiên, Tây Ban Nha vẫn nằm trong danh sách này, với số tiền thua bạc trung bình mỗi năm của người trưởng thành là 418 USD. Chính phủ nước này đánh thuế 20% đối với các giải sổ xố trị giá trên 2.500 euro. Tại Tây Ban Nha, cờ bạc được hợp pháp hóa từ năm 1977, và các loại cờ bạc chơi bằng máy được công nhận vào năm 1981.
9. Hy Lạp
Số tiền thua bạc trung bình năm/người trưởng thành: 420 USD
Vài năm qua, Hy Lạp phải đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, năm 2013, người dân nước này vẫn “nướng” 2,3 tỷ USD vào cờ bạc. Các gói cứu trợ nhiều tỷ USD của EU và IMF yêu cầu chính phủ nước này tư nhân hóa nhiều tài sản công. Nhằm đáp ứng các điều kiện của gói cứu trợ này, tháng 8/2013, Hy Lạp đã bán công ty OPAP thuộc sở hữu của chính phủ, từng độc quyền trong ngành công nghiệp cờ bạc của nước này. Hiện tập đoàn Emma Delta nắm giữ 33% cổ phần OPAP.
8. Na Uy
Số tiền thua bạc trung bình năm/người trưởng thành: 448 USD
Cờ bạc là phạm pháp trên phần lớn lãnh thổ Na Uy. Ngành công nghiệp bài bạc tại nước này được quản lý bởi 2 công ty của chính phủ, Norsk Tipping và Norsk Rikstoto, cho phép cá cược và đánh bạc. Kể từ 2010, chính phủ Na Uy đưa ra luật bắt buộc, yêu cầu các ngân hàng tại nước này không cho phép khách hàng sử dụng tiền trong thẻ ngân hàng tại các sòng bạc trên toàn thế giới và chơi bạc trực tuyến. Tuy nhiên, dân ham cờ bạc Na Uy vẫn lách luật, và tìm tới các sòng bạc trực tuyến của nước khác để thỏa mãn sở thích đắt đỏ này.
7. Hong Kong
Số tiền thua bạc trung bình năm/người trưởng thành: 503 USD
Sòng bạc bị cấm tại Hong Kong nhưng đua ngựa, xổ số và cá độ bóng đá vẫn được phép, thông qua Hong Kong Jockey Club. Câu lạc bộ này là đơn vị đóng thuế lớn nhất, và cũng là nơi sử dụng nhiều lao động nhất  tại Hong Kong. Chính phủ Hong Kong cũng đánh thuế đối với tất cả các khoản thắng cá độ. Theo dữ liệu của H2 Gambling, Hong Kong là nơi có công dân chơi bạc trực tuyến lớn nhất thế giới.
6. Italy
Số tiền thua bạc trung bình năm/người trưởng thành: 517 USD
Vài năm trở lại đây, ngành công nghiệp cờ bạc tại Italy tăng trưởng mạnh và trở thành thị trường cờ bạc lớn nhất tại châu Âu. 10 năm trước, các quy định pháp luật trong ngành công nghiệp này được nới lỏng đáng kể, giúp ngành này ngày càng phát triển mạnh. Theo New York Times, Pavia là thành phố bị ảnh hưởng lớn nhất bởi xu hướng cờ bạc tại Italy. Dân số của thành phố là 68.300 người, ước tính cứ mỗi 104 người lại có một trung tâm xổ số hoặc máy đánh bạc.
Tuy nhiên, một số người Italy lại bất mãn với sự gia tăng cờ bạc tại nước này. Từ đầu năm 2014, nhiều vụ phá hoại các máy đánh bạc đã xảy ra. Từ tháng 10/2013, 6 khu vực tại Italy đã thông qua đạo luật nhằm kìm hãm tăng trưởng của ngành công nghiệp này, và giúp những người nghiện cờ bạc kiểm soát sở thích của mình.
5. Phần Lan
Số tiền thua bạc trung bình năm/người trưởng thành: 533 USD
Tại Phần Lan, cờ bạc là ngành độc quyền do 3 tổ chức Ray, Veikkaus Oy và Fintoto Oy điều hành. Doanh thu từ đây được dùng có các mục tiêu phát triển xã hội. Doanh thu của RAY dùng cho các tổ chức y tế và xã hội, còn Veikkaus Oy đóng góp cho phát triển khoa học, nghệ thuật, thể thao, văn hóa và việc làm cho người trẻ. Trong khi đó, doanh thu từ Fintoto Oy được phân bổ cho việc chăn nuôi ngựa và thể thao. Thay vì cố gắng kìm hãm sở thích cờ bạc của người dân, chính phủ Phần Lan tìm cách quản lý và thu lợi từ ngành công nghiệp màu mỡ này.
4. Canada
Số tiền thua bạc trung bình năm/người trưởng thành: 568 USD
Mặc dù cờ bạc là hợp pháp tại Canada, nhưng mỗi tỉnh lại có luật lệ riêng đối với ngành công nghiệp này. Poker, cá độ thể thao và các trò chơi kỹ năng được người Canada ưa thích nhất. Chính phủ nước này mới đây yêu cầu tất cả các sòng bạc thắt chặt chính sách, và đang dự thảo các quy định đối với sòng bạc trực tuyến.
3. Ireland
Số tiền thua bạc trung bình năm/người trưởng thành: 588 USD
Các sòng bạc bị cấm tại Ireland, tuy nhiên những lỗ hổng trong luật pháp vẫn giúp các câu lạc bộ tổ chức đánh bạc và khiến ngành công nghiệp này không ngừng phát triển. Ireland là quốc gia nổi tiếng với cá độ thể thao. PaddyPower là nhà cái lớn nhất tại nước này. Đây cũng là một trong những công ty cá độ đầu tiên có hình thức trực tuyến, và hiện đang thành công trên khắp thế giới.
2. Singapore
Số tiền thua bạc trung bình năm/người trưởng thành: 1.174 USD
Từ năm 2005, Singapore cho phép cờ bạc có tổ chức, và năm 2010, hai sòng bạc lớn tại Marina Bay Sands và Resorts World Sentosa ra đời. Những sòng bạc này được xây dựng nhằm thu hút du khách. Du khách tới đây được miễn phí vào cửa, trong khi người Singapore bị thu phí 100 USD. Tuy nhiên, biện pháp này không mấy hiệu quả, khi số tiền thua bạc trung bình của người dân nước này là 1.174 USD/người mỗi năm. Tháng 12/2013, chính phủ Singapore công bố dự định hạn chế việc đánh bạc trực tuyến và trên di động
1. Australia
Số tiền thua bạc trung bình năm/người trưởng thành: 1.288 USD
Với nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, 80% người trưởng thành Australia có chơi ít nhất một loại cờ bạc. Điều này đưa Australia trở thành nước chơi bạc lớn nhất thế giới. Các khoản thắng bạc tại nước này không bị đánh thuế, nhưng các đơn vị tổ chức cờ bạc lại bị đánh thuế rất nặng.
Theo các nhà nghiên cứu tại đại học Monash, các thành phố tại vùng duyên hải phía đông là những nơi bị ảnh hưởng lớn nhất của cờ bạc. Đây cũng là những nơi có tỷ lệ tội phạm, bạo lực và người mắc bệnh thần kinh do cờ bạc cao nhất.

No comments:

Post a Comment